Tình hình hoạt động nuôi trồng thủy sản trong tháng 12 tiếp tục phát triển khá do nhu cầu từ thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản; sản lượng thủy sản (nuôi trồng) chủ lực được thu hoạch đạt khá do diện tích thả nuôi từ đầu năm tăng cao.
Khai thác thủy sản: Sản lượng thủy sản khai thác tháng 12 ước đạt 291,9 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước, đưa sản lượng lũy kế cả năm 2022 ước đạt 3.862,6 nghìn tấn, giảm 1,8% so với năm 2021. Trong đó, khai thác biển lũy kế ước đạt 3.664,5 nghìn tấn, giảm 2%. Ước tổng sản lượng cá ngừ đại dương loại mắt to vây vàng (loại > 30kg/1con) năm 2022 của 3 tỉnh trọng điểm khai thác cá ngừ đạt 18.340 tấn, tăng 6,5% so với năm 2021. Trong đó, tại Phú Yên ước đạt 3300 tấn, tăng 12,1 %; Bình Định ước đạt 12.040 tấn, tăng 5,4%; Khánh Hòa ước đạt 3.000 tấn, tăng 5,3%.
Nuôi trồng thủy sản: Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 12 ước đạt 518,7 nghìn tấn, tăng 4,4 % so với cùng kỳ năm trước, đưa sản lượng lũy kế cả năm 2022 ước đạt 5.163,7 nghìn tấn, tăng 6,3% so với năm 2022, cụ thể:
Cá Tra: Sản lượng tháng 12 ước đạt 151,6 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, đưa sản lượng lũy kế cả năm 2022 ước đạt 1.607,9 nghìn tấn, tăng 10,2% so với năm 2021.
Tôm: Sản lượng tôm tháng 12 ước đạt 92,2 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, đưa sản lượng lũy kế cả năm 2022 ước đạt 1080,6 nghìn tấn, tăng 8,5% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng tôm sú tháng 12 ước đạt 20,8 nghìn tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, đưa sản lượng lũy kế cả năm 2022 ước đạt 271,4 nghìn tấn, tăng 1,9% so với năm 2021; sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 12 ước đạt 64,2 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, đưa sản lượng lũy kế cả năm 2022 ước đạt 743,5 nghìn tấn, tăng 11,6% so với năm 2021.
Ghi nhận tại thị trường trong nước, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tháng 12 giảm nhẹ 500-700 đồng/kg so với tháng trước, ở mức 28.500-29.000 đồng/kg, cỡ 800g-1kg/con. Các công ty lớn về cuối năm tăng công suất làm hàng song chủ yếu vẫn ưu tiên bắt cá nguyên liệu trong hệ thống, kết hợp làm hàng nguồn cá nhà cho các hợp đồng đã ký, ít giao dich mới.
Giá cá tra giống, cỡ 2835 con/kg trong tháng ở mức 34.000 - 35.000 đồng/kg, giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg so với tháng trước. Nhu cầu bắt giống của hộ nuôi tư nhân và doanh nghiệp có xu hướng chậm do quan ngại đầu ra thị trường cá thịt.
Giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 12 giảm nhẹ trong bối cảnh nguồn cung yếu và xuất khẩu sụt giảm về cuối năm do nhu cầu thị trường sụt giảm, nguồn nguyên liệu khó khăn và chi phí sản xuất vẫn cao. Tại Bạc Liêu, giá trung bình tôm sú ướp đá cỡ 20, 30, 40 con/kg hiện lần lượt ở mức 255.000 đồng/kg và 200.000 đồng/kg, 145.000 đồng/kg giảm 15.000 - 25.000 đồng/kg so với tháng trước. Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 60, 70 con/kg lần lượt ở mức 100.000 đồng/kg, 95.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với tháng trước; trong khi tôm cỡ lớn hơn 30 - 40 con/kg tăng nhẹ 5.000-10.000 đồng/kg do khan hiếm hàng.
Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 12 năm 2022 ước đạt 750 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 10,92 tỷ USD, tăng 22,9% so với năm 2021. Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2022, chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 11 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng tại tất cả các thị trường. Trong đó, thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhất là Trung Quốc (+71,3%).
Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 12 đạt 250 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu năm 2022 đạt 2,75 tỷ USD, tăng 37,8% so với năm 2021. Nguồn nhập khẩu thủy sản trong 11 tháng đầu năm chủ yếu từ Ấn Độ, chiếm tỷ trọng 13,9%, Inđônêxia (10,2%) và Na Uy (9,4%). So với cùng kỳ năm 2021, giá trị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2022 từ Ấn Độ tăng 20,3%, Inđônêxia (+96,4%) và Na Uy (+15,5%).
Nhìn chung cả năm 2022, sản xuất thủy sản đã đạt được những kết quả tích cực, tổng sản lượng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm ngoái; thị trường thủy sản diễn biến trái chiều ở nửa đầu năm và nửa cuối năm. Những tháng đầu năm xuất khẩu tăng mạnh, nhưng cuối năm lại đối mặt với tình trạng hoạt động ảm đạm do thiếu đơn hàng, nhu cầu thị trường tụt dốc. Dự báo những khó khăn này có thể sẽ tiếp tục chi phối sang năm 2023 do kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái và lạm phát tăng cao.
Thanh Thủy